Bản tin Tường An
Lần đầu tiên, "ông lớn" dầu ăn đi bán nước mắm, hạt nêm
Dầu ăn Tường An vừa ra mắt thêm nước mắm, hạt nêm. Tập đoàn KIDO kỳ vọng việc mở rộng trong ngành hàng thực phẩm thiết yếu sẽ “lấp đầy gian bếp Việt” trong tương lai.
Nhiều hệ thống phân phối, cửa hàng bán lẻ, siêu thị từ hôm nay, ngày 25/12, giới thiệu thêm hai dòng sản phẩm mới đến người tiêu dùng là nước mắm và hạt nêm mang nhãn hiệu Tường An. 
Như vậy, “ông lớn” ngành hàng dầu ăn đã chính thức gia nhập đường đua nước mắm, hạt nêm, cạnh tranh với một loạt nhãn hiệu lớn khác đang có trên thị trường.
4 mã hàng của ngành hàng gia vị Tường An mới vừa ra mắt gồm nước mắm cá cơm 40 độ đạm; nước mắm cá cơm 32 độ đạm; hạt nêm Tường An Unicook sườn non, xương ống và nước cốt thịt hầm; hạt nêm Tường An Unicook nấm hương và 3 loại rau củ.
Dầu ăn và thương hiệu Tường An là một trong những ngành hàng chiến lược quan trọng của tập đoàn KIDO. Sau dầu ăn Tường An, nhà sản xuất hàng tiêu dùng này đang lấn sân sang nhóm hàng gia vị.
Theo giới thiệu, dòng nước mắm cao đạm cá cơm Tường An được ủ chượp theo phương pháp truyền thống từ 100% cá cơm tươi Phú Quốc. Nhà máy sản xuất hạt nêm được sản xuất trên dây chuyền hiện đại Nhật Bản.
Ông Trần Lệ Nguyên - Tổng Giám đốc KIDO, xác nhận ngành hàng gia vị là một chiến lược quan trọng trong việc mở rộng trong ngành hàng thực phẩm thiết yếu nhằm mục tiêu “lấp đầy gian bếp Việt” đã được tập đoàn đặt ra.
“Ra mắt thị trường trong giai đoạn này, chúng tôi sử dụng lợi thế về thương hiệu Tường An để thâm nhập tại từng khu vực, thị trường”, ông Nguyên nói.
Kido đang sở hữu hệ thống logistics, kênh phân phối bao gồm hệ thống 450.000 điểm bán ngành hàng thiết yếu sẵn có, kênh MT, cùng với các kênh mua sắm hiện đại, nền tảng thương mại điện tử. Các điều kiện này được doanh nghiệp kỳ vọng dễ tiếp cận khách hàng tốt hơn.
“Trong thời điểm Tết Nguyên Đán đang đến gần, chúng tôi sẽ phát triển những bộ sản phẩm thiết yếu đi cùng nhau gồm dầu ăn, hạt nêm, nước mắm, bơ thực vật… giúp các điểm bán và người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn, đa dạng hóa việc trải nghiệm sản phẩm”, ông Nguyên nói thêm.
Theo báo cáo nghiên cứu thị trường được thực hiện bởi Euromonitor International, quy mô thị trường ngành hàng gia vị năm 2022 của Việt Nam đạt 35,707 nghìn tỷ đồng. Cũng trong báo cáo này, ngành hàng gia vị được dự báo sẽ đạt 40,812 nghìn tỷ vào năm 2026.  
Trước đó, đầu tháng 10/2023, Kido đã chính thức sở hữu thương hiệu bánh bao Thọ Phát với tỷ lệ 68%. Sau thương vụ này, Kido kỳ vọng đưa Thọ Phát trở thành “bếp ăn quốc dân” của người Việt và mở rộng xuất khẩu sang ít nhất 30 nước trên thế giới.